Web Novel
Chương 04: Cuộc sống tự do trên hòn đảo xa xôi(4).
3 Bình luận - Độ dài: 2,058 từ - Cập nhật:
Sau khi hoàn tất việc chuẩn bị cho mùa đông—dán giấy báo hay màng bọc bong bóng lên cửa sổ, giúp đỡ những công việc cần thiết như muối dưa và làm kimchi—mùa đông cuối cùng cũng ghé đến.
Những cơn gió biển lạnh buốt quét qua hòn đảo, những cơn sóng biển dâng lên với bọt trắng xóa, ầm ầm vỗ vào bờ tựa như tiếng kêu bi ai của cá voi.
Khu rừng, sau khi đã trụi sạch lá, lặng lẽ chào đón mùa đông.
Những vệt đỏ còn vương lại trên đầu cành tỏa ra ánh sáng mờ nhạt, như lời tạm biệt cuối cùng dành cho mùa thu đã qua, đượm chút hoài niệm.
Nhìn những cành cây khẳng khiu, không còn lá, lay động theo gió,những ký ức về sự kiện trong năm chợt ùa về.
Tôi từng rong ruổi khắp núi rừng khi trời còn tờ mờ sáng, như một con hươu nước, để nhặt nấm thông và hái quả goumi.
Từng vác giỏ trên lưng, theo chân các ông lão trong làng đi hái rau bí xanh.
Mùa hè năm đó, ngại do lúc nào cũng được ông lão tiệm tạp hóa cho quà, tôi đã leo núi hái những quả mâm xôi dại nhỏ nhưng căng mọng, hoặc những trái nho rừng tuy bé hơn nho trồng nhưng lại chua đến xé lưỡi.
Cũng có lần tôi hái đầy một rổ nấm dại không ăn được, khiến các ông lão phải dạy tôi cách phân biệt loại nào an toàn.
Ulleungdo trước đây là một nơi yên bình, không có động vật có vú lớn, nhưng rồi bỗng xuất hiện một con lợn rừng. Không biết nó bơi từ đất liền qua hay bị ai đó bắt rồi thả ra nữa.
Tôi vẫn nhớ như in cái ngày xử lý con heo đáng ghét dám nhòm ngó mấy trái dưa chuột quý giá, vốn để làm kongguksu và umukgasari mùa hè. Lúc đó tôi đã quấn chặt nó như một con hươu nước đang vờn mồi, rồi hạ gục nó bằng một cú German Suplex nghệ cả củ.
Giờ thì nó đã được thuần hóa, chẳng còn xuống làng quậy phá, chỉ ngoan ngoãn nhận thức ăn và khoe mấy trò vặt.
Dù sao thì, trong cái làng này đã có sẵn một “con hươu nước hai chân” sáu tuổi là tôi đây rồi, một con lợn rừng từng được nuôi nấng tử tế trên đất liền cũng chẳng dám hó hé làm càn.
Mà chẳng phải nhân viên trung tâm cộng đồng đã hoảng hốt khi thấy “đứa nhỏ bốn chân” duy nhất trong làng hồi đầu thu sao?
Nghe ông chủ tiệm nói, thậm chí còn có người bàn chuyện mang một con lợn cái từ đất liền về để ghép đôi cho nó nữa kìa.
Ngoài ra… tôi từng leo lên Hòn Đá Rùa bằng tay không, rồi ngay trước khi mùa đông đến, còn lặn biển ở đá Gajaegul cùng bố và mở một bữa tiệc cá linh đình.
Bao nhiêu chuyện đã xảy ra.
Mùa đông ở Ulleungdo là mùa nghỉ ngơi.
Người ta bảo đây là thời gian chờ đợi trong tĩnh lặng, tận dụng những gì đã tích góp, để chuẩn bị đón năm mới.
Bố cũng không ra ngoài, chỉ ru rú trong nhà vì trời quá lạnh.
Vù—
“Ha, đúng là lạnh thật.”
Tôi đứng một mình trên con đường vắng, trong bầu không khí ấm áp mà yên tĩnh của Tonggumi, nhìn ra những con sóng dữ dội.
Thật buồn cười khi nghĩ lại.
Kiếp trước, tôi chưa bao giờ thảnh thơi như thế này.
Ở trường, tôi có thể chơi đùa như một kẻ ngốc, nhưng từ năm tám tuổi, tôi đã bị cuốn vào vòng xoáy học hành, chạy đua trong cơn sốt giáo dục tư nhân.
Có lẽ lý do tôi thích làm loạn, không quan tâm người khác nghĩ gì… là vì muốn giải tỏa áp lực.
Mười năm thanh xuân vùi đầu vào học tập, rồi khi đỗ đại học, tôi cứ ngỡ mình cuối cùng cũng được tự do, có thể sống vui vẻ mà không cần để ý đến ánh mắt người khác.
Nhưng tự do càng lớn, thì trách nhiệm càng cao.
Một sinh viên hai mươi tuổi, lần đầu sống tự lập, không có khả năng kiếm tiền thì cũng chẳng thể tận hưởng tự do.
Vậy sau khi tốt nghiệp, tôi có thể kiếm tiền ở nơi làm việc và tận hưởng khoảng thời gian rãnh rỗi không?
Không hề. Tôi đã nhập ngũ ngay lập tức.
Sau khi xuất ngũ, tôi lại trở thành một người trưởng thành nhàm chán, ngày ngày làm việc, tan ca thì kiệt sức, hoặc nhậu nhẹt vào tối thứ Sáu. Chẳng còn thời gian để vui chơi.
Tôi cứ thế mà sống, bận rộn mưu sinh, dù ngoài miệng vẫn nói là đang chạy về phía tương lai, nhưng đã đánh mất mục đích từ lúc nào không hay.
Sắp phải đi học tiểu học rồi…
Có lẽ khi trưởng thành, tôi sẽ rời khỏi đây, đến thành phố.
Sớm hay muộn, ngày đó chắc chắn sẽ đến.
Tôi không biết khi nào, nhưng rồi nó cũng sẽ đến.
Thành thật mà nói, tôi muốn mãi sống ở đây, hòa hợp cùng những người già, cùng mẹ và bố.
Có thể đó chỉ là suy nghĩ bồng bột của một đứa trẻ. Không, cũng có thể là vì tôi đã từng trôi dạt như một nhành lau giữa cái xã hội cạnh tranh khốc liệt, lạnh giá và tàn nhẫn hơn cả cơn gió mùa đông này, nên tôi mới không muốn rời xa sự ấm áp này.
“Nhưng đây là cuộc đời thứ hai của mình.”
Nếu tôi đã quyết định sẽ sống tự do, muốn làm gì thì làm, vui vẻ mà không bận tâm người khác nghĩ gì, thì cứ thế mà sống thôi.
Tôi là ai chứ? Hả? Tôi là Hercules của Tonggumi, là kẻ sống lần hai với một cơ thể đỉnh cao và mang trong mình tinh thần của loài hươu nước hoang dã bất khuất.
“Chỉ tiếc là mình mất cái chân thứ 3 rồi.”
Nhưng nếu coi đó là cái giá để đổi lấy kiếp này, cũng không quá tệ.
Tôi thò tay vào quần, mò mẫm trong lớp quần lót… rút ra một xấp tiền ấm áp, hơi nhàu, tôi nhận từ các ông lão mấy hôm trước.
Tổng cộng năm trăm nghìn won.
Số tiền kiếm được sau hai ngày giúp lợp lại mái nhà.
“Hạt giống tự do của mình.”
Năm năm nữa, một thứ sẽ xuất hiện vào khoảng thời gian này, và đó sẽ là bàn đạp, là đôi cánh đầu tiên của tôi.
Lúc mới ra đời, nó bị công chúng coi là trào lưu sớm nở chóng tàn, nhưng kỳ thực lại chứa đựng giá trị và tiềm năng vô hạn. [note68093]
Muốn tự do như một con hươu nước giữa thế giới loài người, tôi phải có năng lực để làm điều đó.
“…”
“Tự nhiên lại thèm canh cá cay.”
Tôi cẩn thận nhét xấp tiền vào túi áo dày, cất kỹ vào một góc ven đường, khởi động làm nóng người, rồi trèo lên lan can và lao mình vào những con sóng dữ.
“Aaaaaaaargh!!” [note68094]
Tôi là một bé hươu nước nhỏ chưa cần rời tổ, cũng chưa phải lo nghĩ làm sao để tồn tại giữa cái xã hội đầy cạm bẫy này.
Chỉ cần sống trọn vẹn khoảnh khắc này là đủ.
***
Đúng như mong đợi từ một con hươu nước– kẻ ngoài vòng pháp luật của bán đảo Triều Tiên – đến mùa đông cũng chẳng biết ngủ là gì.
“Waaaaah!!”
“Mẹ xin con! Ngừng làm!! Mấy cái trò nguy hiểm đó nữa!!!”
Dù là đông, xuân, hạ hay thu, tôi đều nghe theo bản năng hoang dã, lao xuống biển bắt hàu, bạch tuộc dai giòn, và cá đớ tươi ngon.
Vì ngâm mình trong làn nước biển lạnh mặn chát, tóc tai và toàn thân tôi đều dính bết, cứng đờ.
Mẹ hét lên khi thấy tôi nhét đầy nguyên liệu nấu canh hầm cá cay vào trong áo vì không mang giỏ, rồi tôi bị đánh đòn.
BỤP!! BỤP!!
Quần và quần lót của tôi bị tụt xuống, và mẹ đánh vào cái mông trần của tôi. Tôi giãy giụa giả vờ đau đớn, nhưng…
“Em yêu à, trông Yuna đâu có vẻ gì là đau nhỉ?”
“…”
Chết tiệt. Lộ mẹ rồi.
Những lời của bố, khi ông nhìn tôi ngồi trên ghế ăn chịu phạt, khiến dòng nước mắt cá sấu của tôi biến mất.
Không, thật đấy, nó chẳng đau chút nào.
“Con gái à. Con có nhớ lần trước khi con về nhà với một con nhím biển dính trên mông không? Tay mẹ sao có thể làm con đau được chứ.”
“Con còn chẳng biết nó dính ở đó!”
“…Sao mà con lại không biết được?”
Oan uổng quá. Tôi thực sự không biết mà.
Mông tôi như được bọc giáp vậy. Gai nhím đâm vào mà tôi chẳng thấy đau chút nào. Tôi chỉ phát hiện ra khi về đến nhà, lúc mẹ hét lên khi nhìn thấy mông tôi.
Nghe mẹ kể lại chuyện "con bé hươu nước x con nhím biển", các cụ già trong làng tái mặt, bảo tôi phải đi bệnh viện ngay vì gai nhím biển có độc.
Thế là sáng hôm sau, tôi được bố chở đến phòng khám ở Dodong…
– Cô bé hoàn toàn ổn.
– Hả?
– Không có vết thương nào… à, có vài vết, nhưng không sưng, da cũng không bị rách.
– ??
Đây là một trải nghiệm chứng minh lời đồn vô căn cứ lại hóa ra là thật: nếu chỉ bị gai nhím biển châm nhẹ, thì không đau cũng chẳng bị nhiễm độc.
May mắn thay, những con nhím biển bám lên mông tôi để du lịch vòng quanh đảo cuối cùng cũng siêu thoát trong hạnh phúc, trở thành món bibimbap thơm lừng và béo ngậy với phần nội tạng của chúng~bravo~bravo.
“Nghĩ mà xem, em à. Con bé đánh bại cả lợn rừng, nhím biển, mùa xuân thì tay không bắt ong, ôm cả một tổ ong về nhà.”
Liệu có thể gọi đó là phạt không nếu đánh vào mông một đứa trẻ vô đối như thế?
“…”
Mẹ thở dài, xoa trán, như thể đang nhớ lại những chiến tích của tôi trong năm nay.
Cùng lúc đó, bà cũng không thể phản bác lời của bố, chỉ im lặng gật đầu.
Khoan đã? Không phải cứ đánh đau mới gọi là phạt đâu nhé? Hả? Đó là lối suy nghĩ lỗi thời rồi!!
Mà thực ra, năm 2008 đúng là một thời đại lỗi thời thật.
Khi đó, người ta vẫn xem đòn roi là phương pháp giáo dục tốt nhất, chuyện bị thầy cô dùng thước gỗ vụt vào tay, chân hay mông ở trường là điều hết sức bình thường, gọi là "roi vọt yêu thương".
Thời ấy còn có mấy giáo viên vung gậy hockey hay ống nước thẳng vào tay nữa kìa.
Nếu một đứa trẻ quá nghịch ngợm, không biết quý trọng mạng sống mà hành động liều lĩnh, thì một cái tét mông hay cú gõ đầu cũng… vô dụng?
Đó là bằng chứng cho tình mẫu tử của Suyeon và tính cách thuộc top 0.1%—không thể nghiêm khắc với con gái vì quá đỗi yêu thương và chiều chuộng… nhưng…
Từ góc nhìn của các bậc phụ huynh có con nhỏ thời đó, chắc họ sẽ chê mẹ tôi là quá cưng chiều con, bảo rằng những đứa trẻ lớn lên kiểu này sẽ dễ sinh hư.
“Nh-nhưng mà… em không muốn thấy Yuna bị đau.”
“Đúng vậy. Con bé nghịch ngợm thật, nhưng có phải đứa hay gây rắc rối đâu.”
“Vậy… sao?”
“Đúng thế! Mẹ ơi! Con có gây ra rắc rối gì đâu!!”
“Trừ lần suýt làm hỏng cái máy cày, thì không có thật.”
“…”
Không. Cái máy cày thì…
Tôi bực bội lắm, nhưng chẳng thể cãi lại được.


3 Bình luận