Năm cuối cấp ba - thời điểm mà mọi học sinh đều muốn lưu lại dấu ấn của mình, dù lớn hay nhỏ, đó vẫn nên là kỷ niệm mà bạn sẽ mãi cất ghi trong lòng. Ấy thế mà Nguyễn Trần Thảo Vy, cô bạn cùng lớp, người ngồi phía trước tôi hai bàn lại luôn nổi bật một cách kỳ quái.
Về điểm số, Thảo Vy luôn nằm trong top đầu của lớp, nhưng cái đáng nói là cô chưa bao giờ là hạng nhất, cũng không bao giờ là hạng nhì, sau 3 và trước 10 mới là những con số mà Thảo Vy yêu thích. Có lẽ do cô ấy đủ thông minh để biến mọi con điểm trong bài kiểm tra của bản thân thành những hằng số, hoặc do Thảo Vy nghĩ thứ hạng như vậy hẳn là không ai phải bận tâm đến mình.
Có nhiều lý do để tôi đưa ra giả thuyết như trên. Thảo Vy xinh đẹp, đó là điều mà ai cũng công nhận. Cái cách mà cô ấy hớp hồn mọi thằng con trai ngay từ ngày đầu nhận lớp 12 là bằng chứng rõ ràng nhất, cơ mà tính cách của cô nàng lại thẳng thừng một cách khó ưa.
Tôi nhớ có lần Thảo Vy được một nhóm bạn trong lớp rủ đi Karaoke, cô chỉ đáp lại rằng “tôi không muốn tụ tập cùng mấy người”. Rõ ràng là dù cho không muốn gia nhập vào các hoạt động xã giao như vậy thì thiếu gì cách lịch sự để từ chối cơ chứ.
Một cuốn sổ cùng với cây bút chì - hai người đầy tớ trung thành nhất với Thảo Vy trên trường học. Cô ấy cứ ngồi lì ở chiếc bàn của mình mà dùng chúng để ghi chú mỗi khi có thời gian rảnh. Chủ đề thì đa dạng, có khi là một công thức toán học, nét vẽ nguệch ngoạc hay bất kỳ cái khỉ gió gì đó càng thiếu i-ốt càng tốt. Điều này khiến cho bất kỳ ai chủ động bắt chuyện với cô nàng đều chỉ nhận được sự phản hồi duy nhất. Đó là tiếng sột soạt của ngòi than khi đi trên nền giấy.
Động cơ cho các kiểu hành xử như vậy là quá rõ ràng, Thảo Vy muốn tạo khoảng cách với những người xung quanh. Thế nên đã học kỳ hai của năm cuối cấp rồi mà cô nàng vẫn chưa hề có một người bạn nào.
Phải nói thật, tôi thấy khá ngạc nhiên khi tới tận giờ mà Thảo Vy vẫn chưa từng bị ai đó bắt nạt, tuy thế lời ra tiếng vào thì chắc chắc là phải có. Vài thằng lớp dưới cứ truyền tai nhau những lời đồn mất não rằng cô nàng là ma cà rồng, không thích hợp để tham gia vào các hoạt động ngoài trời. Cứ thế, nó trở thành cái cớ để mọi người tự hợp lý hóa cho những lần vắng mặt liên tục trong các hoạt động ngoại khóa và sự kiện lớn ở trường của cô ấy. Dù cho có bị buộc phải tham gia, như là tiết thể dục chẳng hạn, thì Thảo Vy chỉ luôn ngồi thu mình vào trong những nơi có bóng râm, lặng lẽ đến mức nhiều lúc chẳng ai còn nhớ cô có mặt.
Sự hiện diện của cô ấy không phải là điều thiết yếu.
Sự xa cách của cô ấy mới là điều thường nhật.
Với cái kiểu tận hưởng đời cấp ba như thế, tôi không biết từ giờ cho đến ngày tốt nghiệp sẽ có bao nhiêu người nhớ tới cô nàng như là một người bạn cùng lớp đây. Và liệu bài luận kể về thời cấp ba của Thảo Vy trên giảng đường đại học có thể đi đến mặt sau của tờ đầu tiên hay không nữa.
Mà một thằng nam sinh như tôi lại đi săm soi đời tư con gái nhà người ta như vậy không phải là một điều gì hay ho cho lắm. Đáng lẽ tôi phải như những bạn học khác, cứ ngó lơ cô nàng và tập trung vào những việc khác cần thiết hơn, như là kỳ thi sắp tới chẳng hạn.
Thế nhưng một sự kiện đã xảy ra vào ngày 28 tháng 1 - lúc chỉ còn vài bữa nữa trước kỳ nghỉ Tết. Hôm đó là ngày trực nhật, và tôi phải quay lại lớp để trả hộp phấn và khăn lau bảng mà mình đã vô tình mang theo lúc ra về. Tôi cứ tưởng mình sẽ chỉ cần lặng lẽ đi vào, sau đó thì lặng lẽ đi ra, nhưng đó lại là một suy nghĩ sai lầm.
Phải nói là vô cùng sai lầm.
Bởi lẽ ngay khi vừa bước chân đến cửa, một âm thanh quen thuộc - thứ từng là nhạc nền cho những buổi học kéo dài đằng đẵng trên lớp đã khiến cho toàn thân tôi khựng lại.
Tiếng kéo lê nặng nề của bàn ghế
Thế là tôi nhìn vào phía bên trong căn phòng.
Ánh chiều tà cuối ngày len qua khung cửa sổ, đổ dài bóng của những vật dụng xuống nền gạch, làm lộ ra những chiếc bàn ghế bị xô lệch như vừa có một cơn bão đi qua. Và rồi ngay giữa “tâm bão” đó, tôi nhìn thấy cô ấy.
Nguyễn Trần Thảo Vy.
Người thiếu nữ đứng yên với đôi tay buông thõng, ánh mắt trống rỗng hướng về phía một thứ gì đó, không phải người, mà lại là… cái bóng của cô - thứ đang kéo ngang một chiếc ghế ở bên cạnh
Một khung cảnh thật kỳ quặc! Bởi lẽ một người thiếu nữ khó mà làm ra hình ảnh phá hoại đang hiện ra trước mặt tôi, và cái bóng thì lại càng không thể hành động khác với chủ thế như đang sống cuộc đời riêng của nó được.
Không phản chiếu, không đồng bộ, không còn là hình ảnh phụ thuộc. Cứ như thể…
Nó đã tách rời khỏi cô ấy.
Nó là một sinh vật khác.
Hay nói một cách chính xác hơn là cái bóng của Thảo Vy đã hoạt động độc lập với cô ấy.


0 Bình luận