0502
Lamp
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Oneshot

0502

3 Bình luận - Độ dài: 1,988 từ - Cập nhật:

“Bố mày hôm nay lại đi nhậu rồi. Cứ mua mồi cho tụi nó lắm vào thì tụi nó chả mời suốt ngày. Thử hỏi xem cứ ăn chực mãi thì còn anh em gì không.”

“Mẹ mày làm cái gì cả ngày mà cứ để nhà cửa bẩn thỉu, trông không khác gì cái chuồng lợn. Không dọn dẹp cho tử tế thì bán quách đi. Sao cứ giữ khư khư nó vậy? Bán đi để còn lấy tiền xuống dưới kia làm ăn chứ. Mày định ở đây chết già à...”

***

Ngày 5 tháng 2.

Đó là ngày sinh nhật của mẹ tôi.

Và cũng là ngày mà bố tôi quyết định ly hôn với mẹ.

Mọi chuyện lại đến quá bất ngờ như thế, không biết có phải là vì bố tôi đang say hay không. Hay là thậm chí, bố tôi còn chẳng nhớ hôm nay là ngày gì nữa.

“Con, lấy cho bố hai tờ giấy đôi và một cây bút.”

Lúc ấy, tôi cũng chả biết là nó dùng để làm gì. Khuôn mặt bố tôi lúc này trông vẫn bình thản như mọi khi, chỉ có điều là trên trán, có một vết thương khá to, máu trên đó đã khô từ khi nào.

Cả nhà tôi vừa mới về sau khi đi nhậu và hát karaoke với các bác, trước kia từng là hàng xóm với nhau, cũng có thể nói là khá thân thiết. Dạo này bố cũng thường đi nhậu ở đó tới tận khuya.Vết thương ấy, tuy tôi đã thấy từ trước khi về nhà, nhưng lại không tới hỏi, vì mọi người xung quanh nói chuyện ồn ào quá.

Còn mẹ tôi thì đã vào phòng từ khi nào.

“Con, cả Su nữa, vào trong này bố bảo.”

Tôi bị bố gọi lại sau khi vừa chuẩn bị quần áo đi tắm. Vẻ mặt bố trở nên nghiêm trọng, làm tôi cứ sợ rằng, mình đã quên xả bồn cầu, không cất quần áo phơi khô hay gì gì đó tương tự, như cách mà bố vẫn thường hay cằn nhằn mọi ngày.

“Giờ bố mẹ quyết định ly hôn. Và các con hãy nhớ, chuyện này chỉ là của riêng bố mẹ, không liên quan gì đến hai con cả. Các con muốn theo ai, đấy là quyền của các con. Cứ suy nghĩ cho kỹ rồi ra quyết định cũng được.”

Giọng bố đều đều và bình tĩnh, như thể đã cân nhắc hết mọi thứ từ lâu rồi. Tuy là thế, nhưng nó không khác nào một tia sét giáng thẳng vào sự bình yên đã được cố gắng giữ gìn gần bốn năm nay. Cổ họng tôi bắt đầu hơi đau. Tim khẽ đập thình thịch, nhưng đôi mắt lại khô khốc. Tại sao...

“Tại sao bố lại ly hôn với mẹ?” Em trai tôi bàng hoàng hỏi.

Bố chỉ tay lên vết thương trên trán.

“Tối nay, bố chỉ trêu mẹ một tí thôi mà mẹ cầm micro lên đánh bố, làm bố mất mặt trước bao nhiêu người. Đấy là bố chỉ đùa vui thôi nhé.”

“Thì mẹ đã xin lỗi rồi mà...” Mẹ tôi ngồi trên giường, chăn đắp lên chân, hình như đang ngủ thì bị gọi dậy. Bà có vẻ tỏ ra hối lỗi, sợ hãi, hay giận dỗi, tôi cũng chẳng rõ nữa. Hoặc cũng có thể là cả ba.

“Chỉ có thế thôi á!?” Su nhìn thẳng vào mắt bố, giọng đanh lên.

“Chỉ có thế thôi. Trước giờ bố đã nhẫn nhịn quá nhiều rồi. Nói chung là giờ không thể chịu nổi nữa.”

Bốn người chúng tôi im lặng vài giây. Tôi chỉ im lặng từ đầu đến cuối. Tại sao á? Vì đây không phải là chuyện của tôi, mà là của bố mẹ. Bố tôi gọi tôi để thông báo vậy thôi. Việc đã định, đơn đã ký thì không thể thay đổi được.

Giờ tôi sẽ theo ai? Đây là câu hỏi lớn nhất của tôi ngay lúc này.

Chuyện này làm tôi nhớ tới hơn bốn năm về trước, năm tôi lớp sáu, bố mẹ tôi cũng đã rời đi như thế này. Trong một buổi tối, tôi cũng không nhớ rõ là ngày gì nữa, sau khi phát hiện tin nhắn ngoại tình của mẹ, bố đã thẳng tay ném hết quần áo của bà ra khỏi phòng ngủ, chỉ để lại cái tủ trống trơn.

Hình như lúc đó, bố cũng say.

Đêm hôm ấy, tôi đã khóc như mưa. Mẹ chỉ lặng lẽ nằm bên cạnh em tôi, lúc này đã say giấc từ lâu. Bố tôi thì qua an ủi tôi bằng một câu: “Nào, ai con trai lại khóc! Đi ngủ đi, chẳng có chuyện gì mà cứ bù lu bù loa như thế.” 

Đêm hôm ấy, tôi đã ngủ thiếp đi, trong khi tay trái vẫn còn đặt lên bụng em, dù cho trước đó làm thế thật vướng víu. Em tôi, vẫn cứ ngủ say như thế, chưa biết rằng, chỉ ngày mai thôi, em sẽ đi về nhà ngoại. Thích lắm đúng không? Nhưng nó...xa lắm...

Sáng hôm sau, trong tiết trời cuồn cuộn mây mù, gió rít lên từng hồi, như muốn khuấy đảo cả không gian đặc quánh này, tôi đứng như trời trồng trước nhà, nhìn em tôi đang ngồi trên xe từ lâu, nhìn mẹ tôi xách chiếc va li nặng trịch lên xe máy, và rời đi. Tôi cứ đứng như thế, không chào tạm biệt, không khóc, không níu kéo, không làm gì cả. Chỉ đứng đó nhìn tới khi chiếc xe máy khuất khỏi tầm mắt.

Tôi cũng liếc sang bố tôi, nhưng ông chỉ ngồi trên chiếc ghế đá ngoài sân và dán mắt vào màn hình điện thoại, không thèm nhìn dù chỉ một khắc.

Khoảng bốn tháng sau, tôi được bố chở trên ô tô đi về quê ngoại. Tôi không biết bố về làm gì. Chắc vì muốn tôi thăm mẹ và em tôi. Hẳn thế. Vì bố đã chuồn ngay sang nhà bạn cũ để ngủ qua đêm.

Nhà ngoại tôi cũng không có gì quá thiếu thốn. Mẹ và em vẫn sống tốt, và việc làm may của bà ở đây cũng khá thuận lợi.

Em tôi đã lớn lên một chút và giờ đây, trong tay em đang ôm khư khư một con vịt bông. Em là con trai, nhưng em mới lên lớp hai mà, và em vẫn còn khóc nhiều lắm, phải không? Và có vẻ như, quanh em cũng chẳng có người bạn nào. Mẹ thường kể với anh rằng, em thường hay ngủ gật trong khi trong khi trông cửa hàng cho mẹ. Và nhìn hình mẹ chụp em trong khi ôm vịt bông vào lòng, mà còn là để nó chổng mông lên mặt nữa chứ. Trông buồn cười phết.

Mẹ và em lên xe ô tô, sau khi cả nhà cùng ăn một bữa cuối ở nhà ngoại. Tôi cũng không hiểu tại sao lại dễ dàng như thế. Mà thôi kệ. Mẹ và em về là vui rồi. Trên tay tôi lúc ấy đang ôm con vịt bông vào lòng. Trông nó cứ ngáo ngáo thế nào ý.

“Vậy thì cứ như trước kia thôi. Theo bố vậy.”

Tôi cảm thấy mình thật khốn nạn. Khi mà giờ đây, tôi không còn khóc nữa. Và có một ý nghĩ trong tôi đang lớn dần lên.

Thế cũng tốt. Ít ra thì mình có thể được tự do. Không còn phải tốn thời gian chơi với nó nữa. Việc nhà nó cũng chẳng bao giờ làm. Với lại bố và mẹ ở nhà chỉ toàn cằn nhằn và nói xấu nhau.

Tắm xong, tôi sấy tóc rồi lặng lẽ về phòng. Qua phòng em, tôi bỗng nghe thấy em đang gọi điện nói chuyện cho ai đó.

“Bố mẹ tao ly hôn rồi...Giờ phải làm sao...”

Con vịt vẫn ở đấy. Trong phòng tôi. Nó bây giờ đã bạc màu, và rách vài chỗ nữa. Chỉ cần may lại là dùng được như thường. 

Cầm con vịt trên tay, nó vẫn mềm và cái mặt trông vẫn ngáo ngáo như thế. Nếu lên mạng tra thử, thì việc mua một con mới chẳng việc gì khó. Nhưng cứ nghĩ đến việc bỏ nó đi thì chúng tôi lại chẳng bằng lòng. Điều làm cho nó trở nên đặc biệt là vì nó đã ở cùng chúng tôi suốt bốn năm qua. Em tôi thì ít khi dính với nó như trước, nhớ có lần đi nặng và đi tắm còn mang theo cơ mà. Bây giờ thì chỉ thi thoảng nghịch nó thôi. Nhưng anh biết, chắc chắn, em sẽ không bao giờ bỏ rơi nó. Cả anh cũng vậy.

“Chỉ cần cả Su và con cùng nói muốn ở với mẹ thì bố sẽ không dám mang đơn lên toà nữa!”

“Lúc đó bố bảo mẹ đã hát dở ẹc rồi mà còn đòi hát, thế là mẹ tức quá, mẹ cầm micro táng cho bố một phát. Thế mà không ngờ tối về lão lại đòi ly dị.”

“Thế thì ai bảo mẹ đánh bố làm gì!” Em tôi lại cãi, có vẻ như trêu đùa hơn là hờn trách.

“AU! Mà...cũng đúng. Chỉ cần con và anh đòi ở với mẹ, thế là mọi chuyện coi như chưa có gì xảy ra.” Em tôi lại nói tiếp, sau khi bị một cú cốc đầu từ mẹ.

 Lúc ấy, tôi cảm thấy rằng, mọi chuyện trong tương lai sẽ thay đổi, chỉ vì một quyết định duy nhất: Theo bố hay theo mẹ. Nếu bố vẫn chấp nhận ở một mình thì sao? Và nếu tôi trở thành con một, liệu tôi sẽ có thể tự do hơn, kiểu như thoải mái bật nhạc ở phòng khách và đi tới mọi nơi lúc bố vắng nhà(cái ấy thì thường xuyên lắm) và không bao giờ phải nghe tiếng cằn nhằn nói xấu nhau nữa.

Cái suy nghĩ muốn chia ly đó vẫn cứ lởn vởn trong đầu. Điều đó đã dằn vặt tôi suốt mấy ngày liền.

Sau cùng, tôi cũng đã ra quyết định: Cả nhà sống với nhau thì vẫn tốt hơn.

Khi có cả nhà, thức ăn sẽ có nhiều món ngon hơn. Cả nhà sẽ ồn ào thêm một chút, dù vẫn xen vào đó vài câu cằn nhằn. Việc nhà sẽ được phân chia, và người nấu ăn sẽ không chỉ là một người. Vườn rau cũng sẽ được tưới thường xuyên hơn. Và trên hết, bốn người thì vẫn vui hơn hai người nhiều. Ít ra thì hai người cũng đâu bao giờ to tiếng hay động tay động chân với nhau đâu.

Mọi chuyện cứ như chưa từng có chuyện gì xảy ra, cho tới ngày 8 tháng 3. Lúc ấy, tôi cũng đã nghĩ rằng, bố có khi không đệ đơn thật. Chiều hôm ấy, trong khi mẹ tôi còn đi làm chưa về, bố tôi đã đưa cho tôi bốn trăm nghìn và bảo rằng:

“Con đi mua hoa tặng mẹ đi. À còn nữa, nhớ mua thức ăn cho chó đấy nhé.”

Đấy cũng là lần đầu tiên, bố tôi mua hoa cho mẹ tôi, mặc dù chỉ là nhờ đi hộ. Vế sau thì chắc là lí do chính rồi.

“Đây là hoa chấm bi xanh. Con mà mua tặng mẹ là hợp lắm luôn nè.”

Cầm trên tay bó hoa, tôi chợt nhận ra, đây cũng là lần đầu tiên mà tôi mua hoa tặng mẹ. Những bông hoa xanh lam, tuy nhỏ thôi, nhưng nếu gộp lại, sẽ có thể thấy cả bầu trời sao trong đó.

Chắc chắn là mẹ sẽ thích nó lắm đây.

Mà hình như...mình quên mất cái gì đó rồi...

Bình luận (3)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

3 Bình luận

Khi đọc xong chương thì trong đầu Caelum nghĩ tới số 8, không biết lí do tại sao nữa, dù viết tốt, ngôn ngữ gần gũi, cảm xúc nhẹ nhàng, mang mác buồn. Hình như có lẽ cái vướng vướng ở đây là thủ pháp viết chưa đủ chạm đến trái tim Caelum thì phải, vì có câu còn hơi khựng về mặt ngữ nghĩa, chủ ngữ bị lủng củng,
như là "Cầm trên tay bó hoa, đây cũng là lần đầu tiên mà tôi mua hoa tặng mẹ"
Có thể sửa lại: "Cầm trên tay bó hoa, tôi chợt nhận ra: đây cũng là lần đầu tiên mà tôi mua hoa tặng mẹ"
Dù người đọc sẽ hiểu là "tôi" cầm nhưng mà theo ngữ pháp viết như vậy thì "Cầm trên tay bó hoa" là định ngữ cho "đây" mà "đây" thì không ăn nhập gì cả nên gây lỗi thiếu chủ vị, đọc sẽ không mượt lắm. Chữ "đây" nó là từ rất mạnh nên phải kéo lên từ từ, nếu không dễ bị khựng lắm
Note: Caelum chỉ nêu cảm nhận cá nhân của mình, nếu có gì sai xót cứ nói để Caelum sửa chứ mọi người im im là Caelum không giỏi lên được.
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
Cảm ơn bạn nhìu nè:))) Chắc mình sẽ sửa lại chút. Mà ko ngờ truyện này lại có người đọc ấy, kiểu như ban đầu mình tính ko đăng vì chỉ viết cho bản thân khuây khỏa thôi, chứ ko trau chuốt quá nhiều về ngôn từ hay văn phong gì cả( kiểu nghĩ sao viết vậy ấy)
Xem thêm
@Lamp: Caelum nghĩ việc bạn viết để khuây khỏa đã là một điều rất đáng quý rồi. Nhưng chính vì cái cảm xúc thật trong đó nên người ta mới thấy hay và dừng lại đọc. Đôi khi không cần quá trau chuốt, chỉ cần chân thành là đủ chạm tới người khác. Với lại, có người đọc tức là có người đồng cảm với câu chuyện bạn kể rồi đó. Viết cho bản thân là một chuyện, nhưng nếu đã có người lắng nghe, thì câu chữ của bạn cũng có sức lan toả rồi. Đừng ngại viết tiếp nha, vì biết đâu, chính truyện bạn lại là điều ai đó cần đọc lúc này.
Xem thêm